Diễn biến tiếp theo và ảnh hưởng Chiến_dịch_Guadalcanal

Diễn biến tiếp theo

Hội nghị các tư lệnh Đồng Minh tại Guadalcanal vào tháng 8 năm 1943 để vạch kế hoạch cho cuộc tấn công tiếp theo của Đồng Minh chống quân Nhật tại quần đảo Solomon như là Chiến dịch Cartwheel.

Sau khi quân Nhật rút lui, Guadalcanal và Tulagi được phát triển thành những căn cứ chính hỗ trợ cho cuộc tiến quân của Đồng Minh ngược lên chuỗi quần đảo Solomon. Ngoài sân bay Henderson, có thêm hai đường băng được xây dựng tại Lunga Point và một sân bay dành cho máy bay ném bom được xây dựng tại Koli Point. Cảng hải quân quy mô lớn và các cơ sở hậu cần được thiết lập tại Guadalcanal, Tulagi và Florida. Điểm neo đậu tàu chung quanh Tulagi trở thành một căn cứ tiền phương quan trọng cho tàu chiến và tàu vận tải Đồng Minh hỗ trợ cho Chiến dịch quần đảo Solomon. Các đơn vị trên bộ được tập trung tại các cơ sở doanh trại quy mô lớn tại Guadalcanal trước khi được bố trí đến các chiến trường tại Solomon.[136]

Sau Guadalcanal, Nhật Bản rõ ràng ở thế phòng ngự tại Thái Bình Dương. Áp lực liên tục phải củng cố lực lượng tại Guadalcanal đã làm suy yếu nỗ lực của Nhật tại các chiến trường khác, góp phần vào thành công của cuộc phản công mà Liên quân Mỹ-Australian thực hiện tại New Guinea mà kết quả là đã chiếm được các căn cứ quan trọng Buna và Gona vào đầu năm 1943. Phe Đồng Minh đã có được thế chủ động chiến lược mà họ không bao giờ từ bỏ. Đến tháng 6 năm 1943, Đồng Minh tung ra Chiến dịch Cartwheel, và sau khi được sửa đổi vào tháng 8, hình thành nên chiến lược cô lập Rabaul và cắt đứt mọi con đường tiếp tế bằng đường biển đến đó. Việc vô hiệu hóa thành công Rabaul; và sau đó là cuộc tiến quân tại khu vực Tây Nam Thái Bình Dương dưới sự chỉ huy của Tướng Douglas MacArthur cũng như chiến lược "nhảy cóc" qua các hòn đảo tại khu vực Trung Thái Bình Dương của Đô đốc Chester Nimitz, cả hai nỗ lực này đều thành công trong việc tiến quân hướng đến Nhật Bản. Các đơn vị Nhật còn lại đang phòng thủ tại khu vực Nam Thái Bình Dương đều bị tiêu diệt hoặc cô lập bởi các đơn vị Đồng Minh cho đến khi chiến cuộc đi đến hồi kết thúc.[137]

Ảnh hưởng

Sân bay Henderson vào tháng 8 năm 1944.

Nhiều người cho rằng Trận Midway là bước ngoặt trong chiến tranh tại Thái Bình Dương, vì đây là thắng lợi hải quân đầu tiên của Đồng Minh mang tính quyết định trước đối thủ Nhật Bản chưa hề nếm mùi chiến bại, và nó cũng ngăn chặn sự bành trướng của Đế quốc Nhật Bản về phía Đông đến Hawaii và bờ Tây Hoa Kỳ. Cho dù như thế, Nhật vẫn tiếp tục cuộc xâm lấn về phía Nam Thái Bình Dương. Thực ra, chính sách "Châu Âu trước tiên" của Hoa Kỳ thoạt tiên chỉ cho phép tiến hành các hoạt động phòng thủ chống lại sự bành trướng của Nhật, nhằm tập trung mọi nguồn lực vào việc đánh bại Đức tại Châu Âu. Tuy nhiên, sự tranh đấu của Đô đốc King cho chiến dịch chiếm đóng Guadalcanal, cũng như sự thực hiện thành công kế hoạch này, đã thuyết phục được Tổng thống Franklin D. Roosevelt rằng Mặt trận Thái Bình Dương có thể tiếp tục tấn công. Đến cuối năm 1942, rõ ràng là Nhật Bản đã thua trong chiến dịch Guadalcanal, một đòn nặng nề giáng vào kế hoạch chiến lược phòng thủ đế quốc của họ, và một chiến thắng không thể đảo ngược trong tầm tay của Đồng Minh.[138]

Guadalcanal là một trong những chiến dịch kéo dài đầu tiên tại Thái Bình Dương, cùng với chiến dịch quần đảo Solomon liên quan xảy ra đồng thời. Cả hai chiến dịch đều là những trận đánh có mức đòi hỏi căng thẳng về tiếp vận cho tất cả các bên tham chiến. Về phía Mỹ, đây là lần đầu tiên nhu cầu chiến dịch đòi hỏi phải tổ chức không vận một cách hiệu quả; trong khi về phía Nhật, việc thất bại không chiếm được ưu thế trên không buộc họ phải dựa trên sự tiếp liệu bằng sà lan, tàu khu trục và tàu ngầm với kết quả thất thường. Vào đầu chiến dịch, người Mỹ gặp trở ngại do thiếu những nguồn lực cần thiết, khi bị thiệt hại nặng về tàu tuần dương và tàu sân bay, và sự bổ sung thay thế bị chậm trễ nhiều tháng. Tổn thất về nhân sự của Hải quân Mỹ vào đầu chiến dịch cao đến mức họ từ chối công bố số liệu về tổng thiệt hại cho đến nhiều năm sau đó. Tuy nhiên, khi chiến dịch tiếp diễn, công luận Hoa Kỳ bắt đầu nhận thức ngày càng nhiều hơn về hoàn cảnh và sự anh dũng của các lực lượng Mỹ tại Guadalcanal, và có thêm nhiều lực lượng và phương tiện được đổ vào khu vực này. Điều này báo trước sự khủng hoảng cho phía Nhật Bản khi các tổ hợp công nghiệp quân sự của họ không thể bắt kịp công suất của nền công nghiệp và nhân lực Hoa Kỳ. Do đó khi chiến dịch tiếp diễn, Nhật Bản mất đi các đơn vị không thể thay thế trong khi phía Mỹ nhanh chóng thay thế và thậm chí tăng cường thêm lực lượng của họ.[139]

Một binh sĩ Nhật tử trận trên đảo Guadalcanal vào tháng 1 năm 1943.

Chiến dịch Guadalcanal gây tốn kém nặng nề cho phía Nhật cả về phương tiện và nhân lực. Khoảng 25.000 binh sĩ nhiều kinh nghiệm bị giết trong chiến dịch này. Sự tiêu hao các nguồn lực ảnh hưởng trực tiếp đến thất bại của Nhật Bản trong việc đạt được các mục tiêu trong Chiến dịch New Guinea. Nhật Bản cũng mất quyền kiểm soát khu vực phía Nam của Solomon và khả năng can thiệp vào đường giao thông của Đồng Minh đến Australia. Căn cứ chủ lực của Nhật tại Rabaul giờ đây trực tiếp bị đe dọa bởi không lực Đồng Minh. Quan trọng hơn cả, các lực lượng trên bộ, trên không và trên mặt biển hiếm hoi của Nhật Bản bị biến mất vĩnh viễn trong rừng rậm và vùng biển chung quanh Guadalcanal. Số máy bay bị bắn rơi và tàu chiến bị đánh chìm trong chiến dịch này hầu như không thể thay thế được, vì đó là những chiến binh được huấn luyện kỹ càng và đầy kinh nghiệm, đặc biệt là các đội bay. Có thể cho rằng chiến thắng này của Đồng Minh là bước đầu tiên trong chuỗi dài thành công mà cuối cùng sẽ dẫn đến việc Nhật Bản đầu hàng và việc chiếm đóng các đảo chính quốc Nhật Bản.[140]

Có lẽ đối với Đồng Minh, tầm quan trọng không kém một chiến thắng về quân sự chính là chiến thắng về tâm lý. Trên một sân chơi bình đẳng, lực lượng Đồng Minh đã đánh bại các lực lượng trên bộ, trên không và trên biển tốt nhất của Nhật Bản. Sau chiến dịch Guadalcanal, quân Đồng Minh đã nhìn quân Nhật với ít nỗi e ngại và sự lo sợ hơn trước đây. Thêm vào đó, phe Đồng Minh nhìn thấy diễn biến tương lai trong chiến cuộc tại Thái Bình Dương với niềm lạc quan gia tăng.[141] Nhiều nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Nhật Bản, kể cả Naoki Hoshino, Osami NaganoTorashirō Kawabe, phát biểu không lâu sau khi chiến tranh kết thúc rằng Guadalcanal là bước ngoặt quyết định trong cuộc xung đột. Kawabe đã nói: "Nói về bước ngoặt [của cuộc chiến], khi mọi hoạt động chủ động bị ngưng lại hay thậm chí trở thành bị động, tôi nghĩ rằng đó chính là tại Guadalcanal."[142]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Guadalcanal http://ajrp.awm.gov.au/ajrp/ajrp2.nsf/088031725e45... http://ajrp.awm.gov.au/ajrp/ajrp2.nsf/Web-DocSecon... //www.amazon.com/dp/B0007DORUE http://www.users.bigpond.com/pacificwar/GermanyFir... http://www.combinedfleet.com/kaigun.htm http://www.franklinfavorite.com/articles/stories/2... http://books.google.com/books?id=xtaTS-POl-UC&prin... http://www.historyanimated.com/Guadalcanal.html http://www.nettally.com/~jrube/index2.html http://www.pacificwrecks.com/people/veterans/clark...